ĐO LOÃNG XƯƠNG

Bệnh loãng xương tiến triển thầm lặng, chỉ biểu hiện sự đau nhức khi ta phạm sai sót trong sinh hoạt. Đau lưng dữ dội khi ta cúi khom lưng hay mang một vật hơi nặng, đau từ sau lưng lan ra trước bụng, giảm đau khi nghỉ ngơi. Nếu bệnh nặng kéo dài có thể dẫn đến giảm chiều cao, gù lưng. Đa số không hề thấy đau cho tới khi do một chấn thương nhẹ dẫn đến gãy xương hoặc tình cờ khám bệnh mới nhận ra bị loãng xương.

Loãng xương là gì?

  Bệnh loãng xương là sự giảm khối lượng xương (tức giảm mật độ xương) và chất lượng của hệ thống xương. Quá trình mất xương (calci và khoáng chất) xảy ra âm thầm, rất ít có biểu hiện lâm sàng, đến khi có dấu hiệu lâm sàng là lúc đã bị loãng xương. Khi bị loãng xương, mật độ xương đã suy giảm tới khoảng từ 30% trở lên, khi đó xương sẽ rất mỏng manh, dẫn đến giảm sức chống đỡ và chịu lực, khi đó, xương sẽ dễ lún xẹp, đặc biệt là ở các vị trí chịu lực của cơ thể như cột sống, cổ xương đùi, đầu dưới xương quay….và gãy xương có thể xảy ra khi chỉ có 1 va chạm rất nhẹ.

Gãy xương do loãng xương rất khó hồi phục, ngoài gây đau đớn cho người bệnh mà còn có nguy cơ tàn phế.

Bạn có nguy cơ bị loãng xương hay không?

Loãng xương là một bệnh khá phổ biến và có thể xảy ra với mọi giới, tuy nhiên nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Hàm lượng chất khoáng trong xương cao nhất ở tuổi 25. Từ sau tuổi 30, quá trình mất xương sinh lý bắt đầu xảy ra, mật độ xương giảm khoảng 0,1% – 0,5% mỗi năm. Giai đoạn này gọi là thời kỳ mất xương chậm. Sau 40 tuổi phụ nữ có thể mất xương từ 1 -3% mỗi năm và kéo dài 5 – 10 năm sau mãn kinh. Trong khi ở nam, sự mất xương vẫn diễn ra nhưng ở mức từ từ. Bình quân cứ 3 người phụ nữ mãn kinh thì 1 người bị loãng xương, 8 người đàn ông lớn tuổi thì 1 người bị loãng xương.

Nguyên nhân là gì?

Loãng xương là căn bệnh có một quá trình lâu dài do nhiều yếu tố gây nên như:

+ Di truyền

+ Ít vận động, sống tĩnh lại.

+ Thoái quen có hại: uống café nhiều, hút thuốc , uống rượu.

+ Chế độ ăn thiếu hụt canxi, khoáng chất, thiếu vitamin D, K2, ăn nhiều đạm động vật.

+ Thiếu nội tiết tố nữ (estrogen):  Estrogen đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc vận chuyển canxi và đưa đến chỗ cần và giúp gắn kết canxi, kích thích tủy xương tạo ra các tế bào tạo xương

+ Phụ nữ sinh đẻ nhiều lần, nuôi con bằng sữa mẹ, mà lại không được bổ sung đủ chất, đặc biệt là Protid và Canxi để bù đắp lại

+ Chứng trầm cảm: cơ thể sản xuất nhiều cortisol, một hocmon liên quan đến stress, chất này làm giảm lượng chất khoáng trong cơ thể.

+ Bệnh lý và dùng thuốc: một số người mắc bệnh cường giáp, suy tuyến sinh dục bẩm sinh, suy thận mãn,…xương dễ bị phá hủy. Bị các bệnh mãn tính đường tiêu hóa như viêm dạ dày, viêm đại tràng ruột mãn tính,… làm hạn chế hấp thu Canxi, vitamin D, Protid,… Thiểu năng các tuyến sinh dục nam và nữ (suy buồng trứng sớm, mãn kinh sớm, cắt buồng trứng, thiểu năng tinh hoàn,…). Những người dùng các loại thuốc corticoid… dễ bị mất xương.

+ Bất động quá lâu ngày do bệnh tật, do nghề nghiệp, … vì bất động lâu ngày, các tế bào hủy xương sẽ tăng hoạt động

Đo loãng xương là gì?

Đo loãng xương là đo mật độ xương. Có 2 phương pháp

+ Đo bằng tia X: đo mật độ xương ở hai vị trí là cột sống thắt lưng và cổ xương đùi bằng phương pháp đo hấp thụ tia X năng lượng kép. Đo bằng phương pháp này BN phải tiếp xúc nhiều tia X, không thuận lợi làm nhiều lần.

+ Đo bằng sóng siêu âm: đo mật độ xương ở vị trí xương gót. Với máy SONOST 3000, đo loãng xương nhanh, thuận tiện và dễ dàng sử dụng để chuẩn đoán mức độ loãng xương.. Cung cấp thông tin về chất lượng xương và các chẩn đoán rạn nứt SONOST 3000 đo các thông số SOS (tốc độ âm – mật độ xương) và BUA (độ suy hóa sóng âm băng rộng – cấu trúc xương) và ứng dụng chúng để tính toán chỉ số BQI (chỉ số chất lượng xương)

Phương pháp đo:

Thật là đơn giản, chỉ cần đặt bàn chân trần vào máy đo, bôi ít gel vào hai bên xương gót. Cố gắng giữ yên xương gót trong thời gian đo. Toàn bộ quá trình kiểm tra chỉ khoảng một phút.

 

Đo loãng xương là cách phòng ngừa bệnh loãng xương ngay từ sớm!

Khi đã bị loãng xương, thì việc điều trị sẽ rất khó khăn, mất rất nhiều thời gian, rất tốn kém và gây nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Thời gian điều trị thường kéo dài, nhưng kết quả vẫn không như mong muốn.

Để phòng ngừa đúng bệnh và đạt hiệu quả cao, người bệnh nên đi đo loãng xương (mật độ xương) theo định kỳ 6 tháng/ lần (ở nữ 40-45 tuổi; nam 50-60 tuổi).

Dự phòng loãng xương sớm được coi là nguyên tắc vàng trong điều trị loãng xương.