NHỮNG BIẾN CHỨNG CỦA BỆNH TIỂU ĐƯỜNG VỀ SỨC KHỎE RĂNG MIỆNG

Biến chứng răng miệng do bệnh tiểu đường là một biến chứng nhẹ, nhưng thường gây ra rất nhiều phiền toái trong sinh hoạt cũng như thẩm mỹ của bệnh nhân tiểu đường. Người mắc bệnh tiểu đường có thể tăng nguy cớ mắc các bệnh về răng miệng như viêm nướu, viêm nha chu… Quan trọng hơn, những vấn đề về răng miệng này sẽ tác động tiêu cực ngược lại đến kiểm soát đường huyết ở bệnh nhân tiểu đường.

Sự tương quan giữa bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng

Tiểu đường có thể gây ra nhiều biến chứng. Các biến chứng bao gồm tổn thương thần kinh, bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận, và thậm chí mù lòa… Trong đó có cả biến chứng là bệnh nha chu và các vấn đề về sức khỏe răng miệng khác. Nguyên nhân sâu xa bởi đường huyết tăng cao kéo dài làm hệ miễn dịch bị suy giảm, và là môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi nấm phát triển.

Đồng thời, đường huyết tăng cao thúc đẩy quá trình stress oxy hóa, gây tổn thương các mạch máu, làm giảm lưu lượng dòng máu đến nuôi dưỡng nướu răng nên người bệnh thường xuyên bị nhiễm trùng răng miệng.

(Bệnh tiểu đường và sức khỏe răng miệng có mối liên quan chặt chẽ với nhau)

Bệnh tiểu đường và những biến chứng về sức khỏe răng miệng

Bệnh tiểu đường và những biến chứng về sức khỏe răng miệng mà người bệnh thường gặp phải như:

Sâu răng:

Khi ăn thức ăn có nhiều đường và tinh bột sẽ trở thành nguồn nguyên liệu để vi khuẩn, vi nấm sinh sôi. Chúng sẽ sử dụng đường và thải ra sản phẩm có bản chất là axit. Những chất này gây xói mòn và tạo thành lỗ thủng trên răng, làm tổn thương lớp men răng. Bên cạnh đó, thức ăn còn thừa ở các kẽ rằng nếu không được vệ sinh đúng cách hoặc thường xuyên, cũng tạo thành môi trường thuận lợi cho các loại vi khuẩn gây sâu răng phát triển.

(Bệnh tiểu đường khiến răng dễ  bị sâu)

Bệnh viêm nướu răng:

Qua thời gian thức ăn thừa sẽ tạo ra các mảng bám trên răng, những mảng bám này nếu không được loại bỏ sẽ cứng lại thành vôi răng (hay còn gọi là cao răng). Các mảng bám và vôi răng có thể gây kích thích nướu răng, làm nướu răng dễ bị sưng và chảy máu, gọi là viêm nướu răng.

Bệnh nha chu:

Viêm nướu răng nếu không được điều trị triệt để có thể dẫn đến nhiễm trùng nghiêm trọng hơn, gọi là bệnh nha chu. Bệnh nha chu xảy ra khi các mô mềm, xương và các dây chằng nâng đỡ răng bị phá vỡ.

 

Viêm nha chu

Hậu quả là tụt lợi, tiêu xương ổ răng dẫn đến lung lay răng, người bệnh rất dễ bị mất răng vĩnh viễn.


Sự tác động qua lại hai chiều

 Những nghiên cứu gần đây cho thấy mối liên hệ giữa bệnh nha chu nặng và đái tháo đường (ĐTĐ) có tính hai chiều. Không chỉ người bị đái tháo đường dễ bị mắc bệnh nha chu nặng, ngược lại cũng tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến kiểm soát đường huyết và làm bệnh đái tháo đường tiến triển nặng hơn .

Người bị đái tháo đường có nguy cơ gặp các vấn đề sức khỏe răng miệng cao hơn (từ 2 đến 4 lần) như viêm nướu, viêm nha chu và mức độ viêm nha chu trầm trọng hơn người không ĐTĐ.  Thời gian bệnh ĐTĐ típ 2 càng lâu thì tỷ lệ viêm nha chu càng cao và mức độ viêm nha chu càng nặng. Ngược lại, bệnh nhân vệ sinh răng miệng càng kém có nồng độ HbA1c càng cao. Bởi, họ dễ bị nhiễm khuẩn và giảm khả năng đề kháng vi khuẩn tấn công vào nướu.

Những vấn đề răng miệng khác đi kèm với đái tháo đường bao gồm nấm miệng, khô miệng. Đây có thể là nguyên nhân dẫn đến đau, loét, nhiễm trùng và sâu răng.

.

 Cách chăm sóc răng miệng ở người bị tiểu đường đúng cách

  • Vì bệnh tiểu đường rất dễ gây ra các bệnh lý răng miệng nên việc chăm sóc răng miệng hàng ngày đúng cách là điều quan trọng để giúp bạn hạn chế tối đa những ảnh hưởng trên.
  • Luôn kiểm soát đường huyết ở mức mục tiêu: Đây là tiêu chí quan trọng hàng đầu để kiểm soát biến chứng tiểu đường nói chung, không riêng gì biến chứng răng miệng.
  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày. Chải răng đúng phương pháp, tránh chải mạnh có thể gây chấn thương mô nướu.

 (Vệ sinh răng miệng đúng cách)

  • Dùng chỉ nha khoa hằng ngày sẽ giúp loại bỏ mảng bám vi khuẩn giữa các răng.
  • Nếu có sử dụng hàm giả tháo lắp nên làm sạch chúng hàng ngày. Không mang hàm giả khi ngủ. Nếu hàm giả lỏng hoặc khít chặt quá làm đau thì nên đến BS Nha Khoa chỉnh sửa hoặc làm lại hàm giả mới.
  • Đến Bác Sĩ Nha Khoa kiểm tra, khám tình trạng răng miệng và cạo vôi răng 6 tháng/lần.
  • Nếu hút thuốc, hãy cố gắng bỏ thuốc lá.